Most Popular

Tranh Lụa Việt Nam

tranh lụa việt nam
Tranh lụa Việt Nam là một trong những tác phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của Nghệ thuật Việt Nam hiện đại, tranh lụa đã trải qua nhiều giai đoạn với những thay đổi về nội dung cũng kỹ thuật làm tranh. Ngoài ra, tranh lụa hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong việc xử lý ánh sáng và màu sắc. Mỗi bức tranh là một kiệt tác nghệ thuật tuyệt vời về thiên nhiên tươi đẹp và qua đó thấy được sự tài năng, sáng tạo và khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam.     


Nguồn Gốc Của Tranh Lụa Việt Nam 

Tranh lụa thường được mọi người nhắc đến ở một số nước phương Đông có nghề trồng dâu nuôi tằm như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. ở Việt Nam, tranh lụa đã xuất hiện từ lâu. Vào thời điểm đó, người dân hay các họa sĩ không làm tranh lụa theo bất kì quy trình hay kĩ thuật nào cả. Nó chỉ là một sự tiếp thu kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, chính các nghệ nhân cổ xưa đã để lại một di sản quý giá mang bản sắc dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển của tranh lụa. Trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, có một số bức tranh lụa nổi tiếng như các bức tranh chân dung của Nguyễn Trãi và Phùng Khắc Hoan ( Thế kỉ XV- XVI)

nguồn gốc tranh lụa việt nam


Chất liệu và kỹ thuật


Lụa dùng để vẽ ở Việt Nam thường sử dụng lụa tơ tằm, có loại sợi mướt, nhỏ mịn, có loại thô mộc tạo nên những thớ khỏe khoắn, sù sì. Mỗi loại lụa sẽ mang lại một hiệu quả khác nhau khi vẽ do độ ken dày mỏng của thớ lụa. Trước kia, nhiều vùng nông thôn dệt vải thủ công để phục vụ sinh hoạt, trong đó có một loại gọi là vải sồi, dệt bằng tơ tằm thô, khổ hẹp dùng để may áo, làm bao ruột tượng. Sồi cũng được một số họa sĩ thử nghiệm vẽ, có một số nét mới lạ.


Lụa Quan Phố được dệt bằng tơ tằm, làm theo phương pháp thủ công, kết cấu sợi đa tuyến, do vậy chịu được sự cọ rửa nhiều lần. Người vẽ cũng có thể thể hiện trên loại lụa này mọi kỹ xảo của bút pháp, từ nét bút đanh cứng đến mờ ảo, từ mảng màu đậm chắc đến loang nhòe, từ độ đậm nhạt, thanh nhẹ đến đằm sâu, tạo được muôn vàn hòa sắc rực rỡ, thắm sâu, biến ảo. Chất liệu lụa này cũng đem lại cho họa sĩ nhiều lợi thế trong việc biểu đạt mọi cung bậc cảm xúc thẩm mỹ. Nó cũng góp phần giải tỏa những quan niệm cũ bó hẹp, trì trệ cho rằng nền lụa chỉ phù hợp với hòa sắc trầm, tối, mờ ảo.


Màu vẽ để vẽ lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực nho. Theo dân gian, màu vẽ trên lụa được chế từ những sản phẩm thiên nhiên, có sẵn và dễ kiếm, như màu đen từ tro than lá tre, màu xanh từ lá chàm, màu vàng từ nướchoa hòe (giã nhỏ hoa và lọc lấy nước cốt) hoặc từ cây gỗ vang, trắng từ điệp tán nhỏ. Những màu từ thiên nhiên này rất bền, sắc độ đằm chín tự nhiên nhưng kém phần tươi tắn so với màu nước hiện đại. Ngày nay, nhiều họa sĩcòn dùng những họa phẩm đục, dày hơn như tempera, màu bột, phấn màu,... để thử sức với lụa.


Nghệ thuật đặt màu lên lụa cũng hết sức tinh tế và chủ động vì khi lụa đã ngấm màu thì không thể nào làm cho chúng sáng lại được nữa, khác hẳn với sơn dầu hay bột màu, có thể dùng màu nọ chồng lấp lên màu kia. Nhưng ưu thế lớn nhất của tranh lụa chính là sự mềm mại, nhuần nhị, êm ả và sâu lắng. Để tạo được hiệu quả như vậy, các họa sĩ thường phải vẽ nhiều lần cho một mảng màu để màu thấm vào từng thớ lụa. Nếu như trong kỹ thuật sơn mài có phần việc mài sơn cũng được coi là vẽ thì trong kỹ thuật tranh lụa,việc rửa lụa cũng cần phải tính toán kỹ.


Công đoạn đầu tiên khi vẽ lụa là căng lụa lên khung sao cho thật đều tuy có thể để lụa khô hoặc ẩm. Sau đó, họa sĩ hồ lụa bằng nước bột gạo có pha một chút phèn để khi vẽ, màu bám không bị loang. Có người bỏ qua công đoạn hồ lụa, họ thích khai thác những nét nhòe, loang, tạo sự mơ màng của tác phẩm. Khi thể hiện màu, họa sĩ có thể can hình lên bằng nét chì thật mảnh qua giấy can hoặc đặt bút vẽ thẳng lên lụa để cảm xúc được tuôn trào qua nét bút. Vẻ đẹp của tác phẩm tùy theo cách sử dụng ngọn bút của tác giả, của sự hòa quyện giữa màu, nét, bố cục, mảng màu. Một nét riêng của kỹ thuật vẽ lụa là họa sĩ có thể dùng nước rửa lụa. Cách vẽ lụa truyền thống yêu cầu họa sĩ phải kiên trì: màu được pha loãng, sau đó nhuộm từng sợi vải, lớp màu nọ chồng lên lớp màu kia sao cho màu ngấm, thẩm thấu kỹ vào từng thớ lụa. Sau khi bức tranh hoàn thành, người vẽ có thể biểu lên giấy hoặc ghim lên giấy không bồi.


Khi vẽ lụa, người ta thường vẽ từ nhạt đến đậm, màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần sẽ thành đậm nhưng vẫn nhìn thấy thớ lụa, tạo nên vẻ đẹp của chất lụa. Vẽ chồng lên nhau bằng các màu khác nhau cũng là một cách pha màu. Thỉnh thoảng, khi màu đã khô, họa sĩ phải rửa nhẹ cho sạch những chất bẩn nổi lên mặt lụa và để cho màu ngấm vào từng thớ lụa.     tranh lua 2


           Bức: "Người bán gạo ”


Giá trị biểu đạt của tranh lụa


 Việc vẽ tranh lụa hiển nhiên cũng phải tuân theo những quy luật bố cục đã được đúc kết. Tuy nhiên mỗi chất liệu lại có đặc tính riêng và mỗi họa sĩ lại có cảm xúc và cách nhìn riêng, tạo ra những cách bố cục đặc trưng. Ở tranh lụa, bản thân chất lụa đã rất mong manh, mịn màng. Thông thường các họa sĩ ít dùng những khối nổi không gian của tự nhiên, ít sử dụng đến ánh sáng như cách vẽ của sơn dầu. Người họa sĩ sáng tạo theo một không gian của mình, có khi không nhờ đến một phối cảnh nào, hoặc chỉ gợi lên bằng cách sử dụng những bộ phận của phối cảnh. Trong tương quan giữa người và phối cảnh, có khi họa sĩ dùng sắc độ mạnh để nhấn vào người, còn cảnh vẫn để ở sắc độ trung bình hoặc làm nhẹ đi để tôn các nhân vật nhưng vẫn tạo ra sự thống nhất. Có khi vật ở tiền cảnh được thể hiện mờ đi để tôn vật ở xa hơn mà vẫn không gây xáo trộn về không gian. Sự vẽ rõ nét hoặc làm mờ nhòe đi trong tranh lụa được xử lý theo chủ ý của họa sĩ bằng một tương quan hợp lý mà họa sĩ đặt ra, khiến người xem có thể xem gần hay xa cũng được.

Như đã đề cập, lụa là một chất liệu nhẹ, mỏng manh nên các họa sĩhầu như không dùng khối nổi của không gian tự nhiên, ít sử dụng đến ánh sáng và bóng tối. Họ sáng tạo ra một không gian của mình, có khi không nhờ đến một phối cảnh nào, như cách mà danh họa Nguyễn Phan Chánh đã làm trong tranh “ chơi ô ăn quan”, chỉ tập trung diễn tả bốn bé gái và những ô ăn quan, hoặc với. “Rửa rau cầu ao ”, chỉ có cô gái với rổ rau, một chậu nước và chiếc cầu ao. Có họa sĩ lại sử dụng những đường nét, mảng màu để gợi phối cảnh. Trong tranh  “ mùa đông ” ,   Nguyễn Thụ đã nhấn đậm vào các mảng khăn và áo của những em gái, đặc biệt là em bên trái, nhưng để màu rất nhẹ trên hàng cây phía sau. Có khi vật ở tiền cảnh được thể hiện nhẹ đi để tôn vật ở xa mà không gây xáo trộn về không gian. Việc vẽ rõ nét hoặc nhòe mờ trong tranh lụa được xử lý theo một tương quan hợp lý mà tác giả đặt ra, như vậy tranh lụa xem gần hay xa đều được chính là ở chỗ đó. 


tranh lua 2

 Bức : “Chơi ô ăn quan “


tranh lua 3

Bức "Rửa rau cầu ao"


Nét nổi bật của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một bảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người 

Tranh lụa giàu chất trang trí ước lệ hơn tạo hình, tả thực. Khả năng diễn tả chất, khối của lụa không mạnh như sơn dầu. Điều này đòi hỏi cách vẽ lụa phải khác với cách vẽ sơn dầu chứ không phải vì lụa bị hạn chế trong khả năng biểu đạt. Mỗi chất liệu có một ưu thế riêng, vẻ đẹp riêng và tựu chung lại là sự phong phú, đa dạng của chất liệu vẽ tranh.



Đăng nhận xét

0 Nhận xét